Quy trình giám sát thi công xây dựng công trình, 8 bước trong quy trình giám sát thi công
Quy trình giám sát thi công xây dựng có vai trò rất quan trọng đảm bảo công trình được giám sát toàn diện giúp bảo đảm chất lượng công trình mục tiêu xây dựng và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho chủ đầu tư. Việc giám sát thi công xây dựng công trình được quy định cụ thể tại Điều 120, Điều 121, Điều 122 Luật xây dựng năm 2014 số 50/2014/QH13 ngày 18 tháng 06 năm 2014 Luật xây dựng quy định về quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân, quản lý nhà nước trong hoạt động xây dựng, và Điều 26 Nghị định 46/2015/NĐ-CP về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng.
Một quy trình giám sát thi công xây dựng chuẩn và hợp lý sẽ đảm bảo công trình thi công đảm bảo hiệu quả hơn, giám sát toàn bộ hoạt động của nhà thầu giúp công trình đảm bảo an toàn, đạt chất lượng và đúng tiến độ thời gian thực hiện hợp đồng của thầu xây dựng.
I. Những điểm cần lưu ý trong quy trình giám sát thi công xây dựng công trình .
1. Chủ thể có thẩm quyền giám sát thi công:
+ Chủ đầu tư tự thực hiện giám sát thi công xây dựng công trình;
+ Tổ chức tư vấn đủ điều kiện năng lực được chủ đầu tư thuê giám sát thi công xây dựng công trình;
+ Đối với loại hợp đồng tổng thầu thiết kế – cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình (tổng thầu EPC) hoặc hợp đồng chìa khóa trao tay, trong hợp đồng có quy định về quyền giám sát của tổng thầu:
– Tổng thầu thực hiện giám sát thi công xây dựng công trình đối với phần việc do mình thực hiện và phần việc do nhà thầu phụ thực hiện;
– Nhà thầu tư vấn đủ điều kiện năng lực được tổng thầu thuê giám sát (với điều kiện tổng thầu có quyền thực hiện giám sát);
– Chủ đầu tư kiểm tra việc thực hiện giám sát thi công xây dựng của tổng thầu bằng cách cử đại diện tham gia kiểm tra, nghiệm thu công việc xây dựng, giai đoạn chuyển bước thi công quan trọng của công trình với điều kiện có sự thỏa thuận trước với tổng thầu trong kế hoạch kiểm tra, nghiệm thu.
+ Đối với các công trình đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn nhà nước ngoài ngân sách:
– Tổ chức giám sát thi công xây dựng công trình phải độc lập với các nhà thầu thi công xây dựng và các nhà thầu chế tạo, sản xuất, cung ứng vật liệu, sản phẩm, cấu kiện, thiết bị sử dụng cho công trình;
– Tổ chức giám sát thi công xây dựng không được tham gia kiểm định chất lượng công trình xây dựng do mình giám sát;
– Nhà thầu chế tạo, sản xuất, cung ứng vật liệu, sản phẩm, cấu kiện, thiết bị sử dụng cho công trình không được tham gia kiểm định chất lượng sản phẩm có liên quan đến vật tư, thiết bị do mình cung cấp.
2. Yêu cầu đối với việc giám sát thi công:
+ Việc giám sát thi công được thực hiện trong suốt quá trình thi công từ khi khởi công xây dựng, trong thời gian thực hiện cho đến khi hoàn thành và nghiệm thu công việc, công trình xây dựng;
+ Giám sát thi công công trình đúng thiết kế xây dựng được phê duyệt, tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật, quy định về quản lý, sử dụng vật liệu xây dựng, chỉ dẫn kỹ thuật và hợp đồng xây dựng;
+ Trung thực, khách quan, không vụ lợi.
3.Nội dung giám sát thi công xây dựng:
+ Thông báo về nhiệm vụ, quyền hạn của các cá nhân trong hệ thống quản lý chất lượng của chủ đầu tư, nhà thầu giám sát thi công xây dựng công trình, cho các nhà thầu có liên quan biết để phối hợp thực hiện;
+ Kiểm tra các điều kiện khởi công công trình xây dựng theo quy định tại Điều 107 của Luật Xây dựng;
+ Kiểm tra sự phù hợp năng lực của nhà thầu thi công xây dựng công trình so với hồ sơ dự thầu và hợp đồng xây dựng, bao gồm: Nhân lực, thiết bị thi công, phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng, hệ thống quản lý chất lượng của nhà thầu thi công xây dựng công trình;
+ Kiểm tra biện pháp thi công xây dựng của nhà thầu so với thiết kế biện pháp thi công đã được phê duyệt;
+ Xem xét và chấp thuận các nội dung do nhà thầu trình và yêu cầu nhà thầu thi công chỉnh sửa các nội dung này trong quá trình thi công xây dựng công trình cho phù hợp với thực tế và quy định của hợp đồng. Trường hợp cần thiết, chủ đầu tư thỏa thuận trong hợp đồng xây dựng với các nhà thầu về việc giao nhà thầu giám sát thi công xây dựng lập và yêu cầu nhà thầu thi công xây dựng thực hiện đối với các nội dung nêu trên;
+ Kiểm tra và chấp thuận vật liệu, cấu kiện, sản phẩm xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình;
+ Kiểm tra, đôn đốc nhà thầu thi công xây dựng công trình và các nhà thầu khác triển khai công việc tại hiện trường theo yêu cầu về tiến độ thi công của công trình;
+ Giám sát việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường đối với các công trình xây dựng theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; giám sát các biện pháp đảm bảo an toàn đối với công trình lân cận, công tác quan trắc công trình;
+ Giám sát việc đảm bảo an toàn lao động theo quy định của quy chuẩn, quy định của hợp đồng và quy định của pháp luật về an toàn lao động;
+ Đề nghị chủ đầu tư tổ chức điều chỉnh thiết kế khi phát hiện sai sót, bất hợp lý về thiết kế;
+ Tạm dừng thi công đối với nhà thầu thi công xây dựng khi xét thấy chất lượng thi công xây dựng không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, biện pháp thi công không đảm bảo an toàn; chủ trì, phối hợp với các bên liên quan giải quyết những vướng mắc, phát sinh trong quá trình thi công xây dựng công trình và phối hợp xử lý, khắc phục sự cố theo quy định của Nghị định này;
+ Kiểm tra tài liệu phục vụ nghiệm thu; kiểm tra và xác nhận bản vẽ hoàn công;
+ Tổ chức thí nghiệm đối chứng, kiểm định chất lượng bộ phận công trình, hạng mục công trình, công trình xây dựng;
+ Thực hiện nghiệm thu công việc xây dựng để chuyển bước thi công, nghiệm thu giai đoạn thi công xây dựng hoặc bộ phận công trình xây dựng, nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng theo quy định; kiểm tra và xác nhận khối lượng thi công xây dựng hoàn thành;
+ Tổ chức lập hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng;
+ Thực hiện các nội dung khác theo quy định của hợp đồng xây dựng.
II. 8 bước trong quy trình giám sát thi công công trình xây dựng.
1. Kiểm tra tính đúng đắn của hồ sơ thiết kế:
- Đây là bước đầu tiên rất quan trọng trong công tác tư vấn giám sát, kỹ sư tư vấn có trách nhiệm và nghĩa vụ khảo sát, kiểm tra đánh giá thật kỹ hồ sơ thiết kế thi công, thẩm tra dự toán cùng các quy chuẩn kỹ thuật xây dựng được áp dụng và đối chiếu thực tế với hiện trạng thi công để kịp thời phát hiện các thiếu sót và đề ra các giải pháp hiệu quả đảm bảo chất lượng công trình tốt hơn và giảm thiểu các chi phí phát sinh không đáng có.
2. Xây dựng kế hoạch triển khai giám sát thi công:
- Kỹ sư trưởng phụ trách công tác giám sát sẽ căn cứ vào toàn bộ hồ sơ thiết kế đã được chỉnh sữa nếu có kết hợp với các quy chuẩn kỹ thuật áp dụng cùng tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam hiện hành để lập ra kế hoạch công tác thực hiện chức năng giám sát thi công công trình xây dựng.
3. Đánh giá hồ sơ thiết kế thi công:
- Kiểm tra và đánh giá toàn bộ hồ sơ thiết kế thi công từng hạng mục công trình để đảm bảo tất cả đều thực hiện đúng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn và kỹ thuật xây dựng.
4. Giám sát từng hạng mục xây dựng:
- Kỹ sư giám sát có trách nhiệm bao quát và giám sát chặt chẽ từng hạng mục thi công, kiểm tra từng số liệu thống kê về địa chất nơi xây dựng đối chiếu với thực tế hiện trường để kịp thời phát hiện những sai sót và đưa ra các giải pháp xử lý một cách hiệu quả nhanh chóng.
- Kiểm tra và nghiệm thu chặt chẽ từng loại nguyên vật liệu xây dựng cùng các loại máy móc nhân công được đưa và sử dụng trong công trình, đảm bảo đúng như trong hợp đồng thi công mà nhà thầu đã ký với chủ đầu tư.
5. Đảm bảo tiến độ xây dựng:
- Đôn đốc và giám sát chặt chẽ tiến độ thực hiện của nhà thầu với từng hạng mục công trình, đảm bảo tiến độ thi công đúng thời gian như trong hợp đồng.
- Nghiên cứu và đề xuất các giải pháp hay giúp rút ngắn thời gian thi công nhưng vẫn đảm bảo chất lượng công trình tốt nhất.
6. Quản lý giá thành xây dựng:
- Tính toán và kịp thời báo cáo tình hình chênh lệch giá của vật liệu xây dựng hiện tại so với mức giá được tính toán trong hồ sơ thi công để kịp thời điều chỉnh giá thành dự toán và đề xuất các phương án giúp giảm giá thành xây dựng tốt nhất.
7. Báo cáo định kỳ:
- Đi cùng với báo cáo trực tiếp tại công trường về tình hình tiến độ, chất lượng thi công là báo cáo định kỳ hàng tháng và theo yêu cầu của chủ đầu tư.
- Báo cáo các yếu tố hạn chế, khiếm khuyết còn tồn tại và phương án xử lý tốt nhất cho chủ đầu tư.
8. Nghiệm thu hạng mục xây dựng và toàn bộ công trình:
Tổ chức nghiệm thu từng hạng mục công trình đã xây dựng xong, các thiết bị lắp đặt và toàn bộ công trình xây dựng.
Trên đây là một số điểm cần lưu ý và 8 bước trong quy trình giám sát thi công xây dựng công trình. để tìm hiều thêm về nội dung này các bạn có thể tham khảo tại Điều 120, Điều 121, Điều 122 Luật xây dựng năm 2014 số 50/2014/QH13 ngày 18 tháng 06 năm 2014 Luật xây dựng quy định về quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân, quản lý nhà nước trong hoạt động xây dựng, và Điều 26 Nghị định 46/2015/NĐ-CP về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng.
Các bài viết có thể bạn quan tâm
► Tải phần mềm nghiệm thu, hoàn công miễn phí
► Hướng dẫn nghiệp vụ lập hồ sơ miễn phí