[Góc giải đáp] Chỉ định thầu rút gọn được thực hiện theo pháp lý nào?
Một bạn đọc có thư hỏi Báo Đấu thầu như sau: “Đơn vị tôi đang tiến hành sơn vôi lại khối nhà làm việc với tổng dự toán được duyệt là 670 triệu đồng. Theo các văn bản hiện hành thì chúng tôi có quyền áp dụng quy trình chỉ định thầu rút gọn và áp dụng theo Mẫu 06 của Thông tư 11/2015/TT-BKHĐT ngày 27/10/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết lập hồ sơ yêu cầu chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh. Tuy nhiên, khi liên lạc hỏi lại người có trách nhiệm ở Vụ Tài chính của bộ chủ quản (đơn vị sẽ quyết toán dự án) thì được trả lời là phải áp dụng chỉ định thầu thông thường cho an toàn!”.
Hỏi: Ý kiến của đơn vị quyết toán nêu trên có đúng không? Trong trường hợp này, căn cứ pháp lý nào có thể giúp thực hiện được quyết toán với quy trình chỉ định thầu rút gọn?
Trả lời: Hạn mức chỉ định thầu được quy định tại Điều 54 Nghị định 63/2014/NĐ-CP ngày 26/06/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu. Theo đó, gói thầu có giá trị trong hạn mức được áp dụng chỉ định thầu theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 22 của Luật Đấu thầu bao gồm: Không quá 500 triệu đồng đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ công; không quá 01 tỷ đồng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp, mua thuốc, vật tư y tế, sản phẩm công; không quá 100 triệu đồng đối với gói thầu thuộc dự toán mua sắm thường xuyên.
Trường hợp bạn đọc nêu, gói thầu thuộc hạn mức chỉ định thầu thì theo quy định tại Khoản 2 Điều 56 Nghị định 63/2014/NĐ-CP, các gói thầu trong hạn mức chỉ định thầu theo quy định tại Điều 54 được áp dụng theo quy trình chỉ định thầu rút gọn.
Quy trình chỉ định thầu rút gọn đối với gói thầu trong hạn mức chỉ định thầu được quy định tại Khoản 2 Điều 56 Nghị định 63/2014/NĐ-CP. Cụ thể, bên mời thầu căn cứ vào mục tiêu, phạm vi công việc, dự toán được duyệt để chuẩn bị và gửi dự thảo hợp đồng cho nhà thầu được chủ đầu tư xác định có đủ năng lực và kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu của gói thầu. Nội dung dự thảo hợp đồng bao gồm các yêu cầu về phạm vi, nội dung công việc cần thực hiện, thời gian thực hiện, chất lượng công việc cần đạt được, giá trị tương ứng và các nội dung cần thiết khác. Trên cơ sở dự thảo hợp đồng, bên mời thầu và nhà thầu được đề nghị chỉ định thầu tiến hành thương thảo, hoàn thiện hợp đồng làm cơ sở để phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng. Tiếp đó, hai bên tiến hành ký kết hợp đồng. Hợp đồng ký kết giữa các bên phải phù hợp với quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, biên bản thương thảo hợp đồng và các tài liệu liên quan khác.
Trường hợp cần thiết, bên mời thầu vẫn có thể áp dụng quy trình chỉ định thầu thông thường đối với các gói thầu nằm trong hạn mức được chỉ định thầu rút gọn.
Để thuận tiện trong quá trình thực hiện, khi lập tờ trình Kế hoạch lựa chọn nhà thầu, chủ đầu tư nên ghi rõ hình thức lựa chọn nhà thầu là chỉ định thầu rút gọn hay chỉ định thầu thông thường và nêu rõ lý do để người có thẩm quyền phê duyệt.